Tấm gương tự học của Bác Hồ
Tư liệu lịch sử kể lại một sự kiện về Tấm gương tự học của Bác Hồ:
“Trên hành trình tìm đường cứu nước, Bác làm việc ở tàu Latouche Tréville. Khi tàu dừng ở Saint Adret, trong lúc tạm ở nhà một người chủ tàu, Nguyễn học chữ Pháp với người giúp việc của chủ tàu. Khi hỏi được từ mới, Nguyễn viết vào một tờ giấy dán vào chỗ dễ thấy, có khi viết vào cánh tay để trong lúc làm việc vẫn học được. Lại cả khi đi đường, Nguyễn cũng nhẩm bài học. Ban đêm khi chưa ngủ, Nguyễn lấy tay viết những chữ khó xuống chân cho kỳ nhớ và cứ thế mỗi ngày Nguyễn học thêm vài từ mới. Học được chữ nào, Nguyễn tìm cách ghép câu để dùng ngay. Học như thế sau một thời gian Nguyễn đọc được sách báo tiếng Pháp...”.
Sau này khi hoạt động tại Paris, Nguyễn coi thư viện là trường học lớn của mình. Nhờ P.V Couturier, một nghị sĩ ở Quốc hội Pháp là bạn, Nguyễn có thể đọc thường xuyên ở thư viện Pháp trên đường Richeulieu. Ở đây những ngày nghỉ, Nguyễn làm việc cả ngày, Nguyễn khai thác được các tài liệu cho hoạt động đấu tranh chính trị.
Nhờ sự khiêm tốn, cầu thị lại được sự giúp đỡ nhiệt tình của những người bạn Pháp, Nguyễn viết được báo đăng trên tờ Đời sống thợ thuyền, truyện in trên báo Nhân đạo. Nguyễn nhanh chóng trở thành nhà báo có uy tín tại Paris, Nguyễn là chủ nhiệm kiêm chủ bút tờ báo Người cùng khổ – một tờ báo gây chấn động dư luận ở chính quốc và thuộc địa với những bài viết đầy sức chiến đấu lên án chủ nghĩa thực dân Pháp, đấu tranh vì quyền lợi của nhân dân thuộc địa.
Ba lần vui của Bác
Viết báo được đăng và lòng tri ân người đồng chí đàn anh của mình
Trong một Hội nghị cán bộ Đảng tại Việt Bắc (tháng 8/1953), Bác kể lại sự thụ hưởng rèn luyện đầy ân cần quý báu của đồng chí chủ bút báo “Đời sống thợ thuyền”.
Đồng chí đó hỏi Bác: - Có tài liệu gì, anh cứ viết rồi tôi đăng cho.
Bác nói: - Tài liệu thì có, chỉ tội tôi không viết được.
Chủ bút động viên: - Anh cứ viết 3 dòng, 5 dòng cũng được. Có thế nào thì viết thế ấy. Nếu có sai mẹo mực thì tôi sửa cho.
Bác kể tiếp: Từ đó, Bác tập viết… lúc đầu còn ngắn thì đồng chí đó yêu cầu viết dài ra. Khi đã viết dài được, đồng chí lại yêu cầu viết ngắn lại, cốt sao cho đủ ý mà chỉ giới hạn khoảng 10 dòng. Sau nhiều lần khổ công như vậy, đến một ngày, Bác viết được bài báo trong phạm vi 10 dòng. Bác đưa cho đồng chí đó xem và xin góp ý.
Đồng chí đó bảo Bác:
- Được rồi đấy, viết dài được, viết ngắn được, bây giờ có vấn đề gì thì viết dài hoặc viết ngắn là tùy ý anh.
Đồng chí đó nhắc thêm:
- Câu kẹo thì phải viết cho rõ ràng, minh bạch, chớ có lủng củng. Chữ nào không hiểu mà muốn dùng thì hỏi anh em, chớ có dùng ẩu.
Bác kể tiếp: “… Đồng chí ấy cũng là một người công nhân, tự học viết văn rồi phụ trách tờ báo này. Mình viết được là nhờ đồng chí ấy chịu khó dạy bảo giúp đỡ” (Tư liệu từ Hồ Chí Minh TT 2011, tập 8, tr 205).
Viết truyện được in và lòng tôn kính đại văn hào L-Tônxtôi
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày mất của L-Tônxtôi (1828-1910), tháng 11 năm 1960, Bác viết bài cho báo Văn học Liên Xô kể lại tác động mạnh mẽ của văn hào đến bản thân mình lúc thanh niên.
Người viết:
“Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, tôi là thợ sửa ảnh ở Paris. Hàng ngày tôi đi đến xưởng, chiều tối tôi tham gia các buổi họp của Đảng hoặc dự mít tinh của công nhân. Cuối ngày làm việc tôi đọc vài trang tiểu thuyết để trau dồi tiếng Pháp và giải trí một chút. Một hôm, một bạn nghề đưa cho tôi cuốn truyện nhỏ của Tônxtôi. Tôi quên mất tên cuốn sách là gì. Từ đó đến nay đã bốn mươi năm rồi còn gì. Song tôi rất nhớ nội dung của tiểu thuyết, đại ý như sau:
Một sĩ quan quý tộc Nga trẻ tuổi có một người vợ chưa cưới rất đẹp. Tất nhiên là họ rất yêu nhau. Trong một buổi khiêu vũ, người vợ chưa cưới được giới thiệu với vua Nga. Vua Nga mê tít chị và bắt chị làm nhân tình của mình. Người sĩ quan trẻ rất đau đớn. Một bên là tình yêu với vợ chưa cưới, một bên là lòng trung thành đối với vua Nga. Rốt cuộc anh rời bỏ Xanh-Pêtécbua và đi tới một nơi xa để khỏi phải nhìn vua Nga và người yêu.
Tôi rút ra kết luận: Sự chỉ trích đạo đức phong kiến
Cách viết của Tônxtôi rất giản dị, rõ ràng và dễ hiểu, làm tôi rất thích. Tuổi trẻ thường bồng bột. Tôi nhảy vùng dậy khỏi giường mặc dù mùa đông rất lạnh, nhất là trong căn phòng bé nhỏ của tôi không có lò sưởi. Tôi kêu to “Viết một cuốn truyện ngắn chẳng có gì là khó. Mình cũng có thể viết được”. Ở Việt Nam chúng tôi có câu tục ngữ “điếc không sợ súng”. Đúng là trường hợp của tôi.
Sáng dậy, tôi bắt đầu viết. Mỗi ngày tôi phải viết từ năm giờ đến sáu giờ rưỡi sáng là vì bảy giờ tôi đã phải đi đến xưởng. Thường thường ngón tay tôi tê cứng lại. Sau một tuần vất vả, tôi viết xong tác phẩm của mình. Tôi mang đến tòa soạn báo Nhân đạo và nói với các đồng chí trong ban Văn học “Tôi rất sung sướng nếu bài viết của tôi được đăng, tùy các đồng chí đăng hay không đăng, nhưng dù thế nào thì cũng xin các đồng chí sửa lỗi tiếng Pháp cho tôi…”.
Bác viết tiếp:
“Các đồng chí nghĩ xem tôi vui mừng xiết bao, khi mấy ngày sau mở xem báo buổi sáng, tôi thấy có đăng tác phẩm của tôi, tác phẩm yêu quý của tôi. Niềm vui sướng của tôi càng lớn hơn nữa khi tòa soạn báo Nhân đạo trả cho tôi số tiền nhuận bút 50 phrăng. Với số tiền đó, tôi có thể sống 10 ngày không cần làm việc, tôi có thể dùng thời gian ấy để đọc sách. Hạnh phúc biết ngần nào.
Trong bài phóng sự của tôi, tôi kể những điều mắt thấy tai nghe trong khu phố tôi ở là khu phố nghèo của những công nhân và những người thất nghiệp trong thành phố Paris lộng lẫy giàu có. Được thành công đầu tiên khuyến khích, tôi viết những bài về tội ác của chính phủ Pháp ở Việt Nam và những nước thuộc địa khác…”.
Bác kết luận ở bài viết gửi cho báo Văn học Liên Xô:
“Và bây giờ, các đồng chí biên tập thân mến, các đồng chí có cho rằng tôi có quyền nói tôi là người học trò nhỏ của nhà văn vĩ đại Tônxtôi không?
Xin gửi các đồng chí và bạn đọc của các đồng chí lời chào anh em”. (Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG 2010, tập 12 tr 712 – Bài đăng trên báo Văn học Liên Xô số ra ngày 19/11/1960).
Giờ phút hào sảng viết “Tuyên ngôn độc lập”
Trong tác phẩm “Những chặng đường lịch sử” (NXB Văn học H 1977), Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại:
“Thường vụ đã quyết định ngày ra mắt của Chính phủ lâm thời cũng là ngày nước Việt Nam chính thức công bố giành quyền độc lập và thiết lập Chính phủ Dân chủ Cộng hòa. Ngoài đường lối, chính sách của Chính phủ phải chuẩn bị cả những lời thề để đưa ra trước nhân dân. Bác và thường vụ trao đổi về một việc hệ trọng cần bắt tay vào làm ngay: Thảo bản Tuyên ngôn Độc lập.
Trong căn buồng nhỏ thiếu ánh sáng của ngôi nhà sâu thẳm nằm giữa một trong ba mươi sáu phố phường cổ kính của Hà Nội, Bác ngồi làm việc, khi thì viết, khi thì đánh máy.
Những người giúp việc trong gia đình không biết ông cụ có cặp mắt sáng, chiếc áo nâu bạc thường để hở khuy ngực hay hút thuốc lá, ngồi cặm cụi làm gì. Mỗi lần họ tới hỏi cụ có cần gì, cụ quay lại mỉm cười chuyện trò đôi câu. Lần nào cụ cũng nói không có gì cần phải giúp đỡ. Họ không biết là mình đang chứng kiến những giờ phút lịch sử.
Một buổi sáng, Bác và anh Nhân (đ/c Trường Chinh) gọi anh em chúng tôi tới. Bản Tuyên ngôn lịch sử đã thảo xong, Bác mang đọc để thông qua tập thể. Như lời Bác nói lại sau này, đó là những giờ phút sảng khoái nhất của Người” (Sđd, tr 240,241).
Đ/c Võ Nguyên Giáp kể tiếp: “Hai mươi sáu năm trước, Bác đã tới Hội nghị Hòa bình Véc xây nêu lên những yêu cầu cấp thiết về dân sinh, dân chủ cho những người dân thuộc địa. Cả những yêu cầu tối thiểu đó cũng không được bọn đế quốc mảy may chấp nhận. Người đã thấy rõ một sự thật là không thể trông chờ ở lòng bác ái của các nhà tư bản. Người viết chỉ còn trông cậy vào cuộc đấu tranh, vào lực lượng của bản thân dân tộc mình.
Giờ phút này, Người đang thay mặt cho cả dân tộc hái quả của tám mươi năm đấu tranh.
Bữa đó, chúng tôi đã nhìn thấy rõ niềm vui rạng rỡ trên khuôn mặt còn võ vàng của Người” (Sđd tr 241).
Khuyên nhủ cán bộ, học sinh tu dưỡng nghiêm cẩn năng lực viết và nói
Bác Hồ rất coi trọng việc rèn luyện năng lực nói và viết của cán bộ. Người cho đó là một khía cạnh quan trọng của nhân cách và có những lời khuyên nhủ ân cần:
Tại hội nghị tháng 8/1953, Người yêu cầu cán bộ khi viết phải đặt ra những câu hỏi:
- Vì ai mà mình viết?
- Mục đích viết làm gì: Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết cái gì?
- Lấy tài liệu ở đâu mà viết?
Trước đó năm 1947, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Bác nhắc nhở chung cán bộ:
- Phải học cách nói của quần chúng. Chớ nói như giảng sách.
- Phải luôn luôn dùng những lời lẽ giản đơn, thiết thực dễ hiểu.
- Khi viết, khi nói phải luôn luôn làm thế nào cho ai cũng hiểu được.
- Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ chớ nói, chớ viết.
- Trước khi nói phải nghĩ cho chín, phải sắp đặt cẩn thận, phải nhớ câu tục ngữ: “Chó ba khoanh mới nằm, người ba năm mới nói”.
Sau khi viết phải xem lại ba, bốn lần. Nếu là một tài liệu quan trọng phải xem đi, xem lại chín, mười lần (TT 2011, tập 5, tr 346).
Bác nói về kinh nghiệm của bản thân (tại hội nghị tháng 8/1953) “Bây giờ khi Bác viết gì cũng đưa cho một số đồng chí xem lại, chữ nào khó hiểu thì các đồng chí bảo cho mình sửa chữa. Chớ giấu dốt, nhờ tự phê bình và phê bình mà tiến bộ. Quyết tâm thì việc gì khó mấy cũng làm được” (TT 2011, tập 8, tr 212).
Bác không chỉ quan tâm rèn luyện việc viết của cán bộ, Người còn chú ý cả tầng lớp học sinh phổ thông. Chuyện kể lại: Năm 1946, trường Nguyễn Khuyến (Nam Định) ra tờ báo “Tập viết” để phát động phong trào dạy và học bằng tiếng Việt. Ai nói đệm tiếng Pháp sẽ bị phạt tiền nộp cho quỹ báo.
Đầu năm 1946, khi Bác Hồ về thăm Nam Định. Nhà trường kính tặng Bác số báo đầu tiên cùng với 2 bức chân dung của Người, một để biếu Bác, một để xin chữ ký.
Bác Hồ trân trọng với tình cảm của học trò Nam Định. Về Hà Nội dù bận rất nhiều việc trọng đại của quốc gia (đàm phán ký Hiệp định sơ bộ với Pháp, chỉ đạo cuộc đấu tranh của nhân dân Nam Bộ, ổn định đời sống của nhân dân Bắc Bộ), Bác vẫn dành thời gian đọc kỹ báo “Tập viết” của học sinh Nguyễn Khuyến. Tháng 3/1946, Bác gửi bức thư sau cho “Tập viết”:
Thân gửi các cháu “Tập viết”
Bác Hồ có mấy lời khuyên các cháu:
Ý tứ nên rõ ràng
Lời lẽ nên phổ thông
Câu kẹo nên ngắn gọn
Chúc các cháu thành công.
Tháng 3/ 1946
Thân ái
Hồ Chí Minh. (TT 2011, tập 4, tr 243).
Giáo sư Vũ Văn Tảo (1930 – 2011) – Nhà nghiên cứu khoa học giáo dục có uy tín, từng là Vụ trưởng, Trợ lý Bộ trưởng Bộ GD&ĐT (1994 – 1998), là một thành viên của “Tập viết năm 1946” kể lại: “Nhóm của ông không lâu sau đó đã tham gia tích cực vào cuộc kháng chiến chống Pháp. Mỗi người theo nhiệm vụ của mình đã hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ người thanh niên, người trí thức của chế độ mới. Họ đã giữ gìn thư của Bác như một kỷ vật thiêng liêng và luôn luôn nhắc nhở nhau làm theo lời Bác dạy. Họ đã trao lại bức thư quý giá trên cho Bảo tàng Cách mạng Việt Nam”.