Bông hồng được chọn làm biểu tượng cho ngày lễ Vu Lan.
Nguồn gốc của “Bông hồng cài áo”
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Đức Thịnh hành động này xuất phát từ tác phẩm viết về mẹ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh năm 1960.
Trong một chuyến sang thăm đất nước Nhật Bản, nhà sư được người Nhật thành kính tặng một bông hoa hồng trắng lên ngực áo. Sau khi biết được ý nghĩa cao đẹp của việc này, thiền sư đã chọn những bông hoa hồng để làm biểu tượng cho lễ Vu Lan của nhà Phật và soạn ấn phẩm “Bông Hồng Cài Áo” năm 1962.
Theo Hòa thượng Thích Nhất Hạnh, bông hoa hồng trong cách nhìn của người Việt là loài hoa thông dụng và dễ thương, được nhiều người yêu thích nhất.
Loài hoa này còn mang quy ước biểu hiện tình yêu thương của loài người. Chính vì thế, Hòa thượng đã chọn bông hoa hồng làm biểu tượng cho lễ Vu Lan.
Bên cạnh đó, việc nhớ về bâc sinh thành và cài lên ngực bông hoa cao quý cũng là tình cảm đẹp nhất, là chữ Hiếu mà con cái gửi đến bậc sinh thành trong ngày này.
Ý nghĩa ẩn trong màu sắc của những bông hoa “hiếu kính”
Bông hồng màu đỏ xuất hiện trên ngực áo của những ai còn cha mẹ.
Ý nghĩa của việc cài bông hoa hồng, đã được Hòa thượng Thích Nhất Hạnh giải thích ngay trong ấn phẩm Bông Hồng Cài Áo: “Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo và anh sẽ tự hào được còn mẹ.
Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng. Người được hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương, không quên mẹ dù đã khuất.
Người được cài hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi, có khóc than cũng không còn kịp nữa”.
Một bông hồng đỏ xuất hiện trên ngực áo của những ai còn cha mẹ khiến người người không khỏi xúc động. Nếu phải cài bông hồng trắng thì đó cũng là lời nhắc người con đừng quên công cha nghĩa mẹ biển trời.
Nếu cha mẹ không còn nữa sẽ được cài lên ngực một bông hoa màu trắng.
Còn đối với người xuất gia, họ phải từ bỏ đời sống thế tục để sống cuộc sống thanh tịnh. Do đó, các nhà sư mượn thân tứ đại do cha mẹ sinh ra để “trên cầu giải thoát, dưới cứu độ chúng sinh” nhằm báo hiếu cho cha mẹ hiện đời và cha mẹ ở nhiều đời khác.
Do đó, thay vì cài bông hồng đỏ/trắng thì người tu sĩ lại cài những bông hồng vàng thể hiện lòng biết ơn cha mẹ rộng hơn, lớn hơn, cao cả hơn.
Bông hồng màu vàng dành cho các nhà sư.