Trẻ em dưới 2 tuổi không nên cho nhìn màn hình
Trong nhiều năm qua, các chuyên gia vẫn liên tục cảnh báo các bậc phụ huynh về những tác hại của “thời gian dành cho màn hình” đối với trẻ em. Gần đây, mối quan tâm của xã hội lại chuyển từ nỗi lo sợ việc xem quá nhiều tivi sang nỗi lo sợ xem quá nhiều các loại thiết bị kỹ thuật số.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rất nhiều mối nguy hiểm tiềm tàng của việc dành quá nhiều thời gian trước màn hình, bao gồm: chứng bệnh béo phì, rối loạn ăn uống, rối loạn giấc ngủ, rối loạn sự chú ý, biểu hiện kém ở trường và thiếu sự đồng cảm, nghèo kỹ năng xã hội, bị trầm cảm, lo lắng…
Tuy nhiên, bất chấp những cảnh báo trên, hầu hết các nghiên cứu đều nhận thấy trẻ em thường dành trung bình tới 7 tiếng/ngày cho các thiết bị điện tử. Thậm chí con số này còn cao hơn ở một số nghiên cứu khác.
Viện Nhi khoa Mỹ (AAP) đã chính thức khuyến cáo các bậc phụ huynh cần phải quản lý thời gian trước màn hình của con em mình, cụ thể là: không quá 2 tiếng/ngày đối với trẻ nhỏ và các em trong độ tuổi thiếu niên; trẻ dưới 2 tuổi hoàn toàn không nên có thời gian trước màn hình.
Thực tế, các khuyến nghị của AAP không chỉ dừng lại ở những điều trên, mà còn kèm theo những ý tưởng dành cho các bậc phụ huynh nhằm hướng dẫn họ hướng tới một mối quan hệ hợp lý hơn với công nghệ, bao gồm việc lựa chọn “những nội dung chất lượng cao” và đưa ra nhiều thời gian chơi tự do và chơi ngoài trời hơn nữa.
Có một số người không tin rằng bất kỳ tiếp xúc với phương tiện truyền thông nào là cần thiết hoặc phù hợp với trẻ em. Chẳng hạn trường Waldoft Schools khuyến cáo nên cắt bỏ thời gian dùng tivi và máy tính đối với các sinh viên của mình. Liệu ý tưởng đó có quá cực đoan?
Trường Waldoft Schools ở San Rafael, California đã công bố một đoạn video, trong đó đưa ra một số vấn đề đáng để suy ngẫm và xem xét. Mở đầu đoạn phim, chuyên gia giáo dục Kim John Payne chia sẻ: “Bạn đang bước vào một lĩnh vực thật sự nguy hiểm khi bắt đầu nói đến những chiếc màn hình của con người”.
Nếu bạn quan tâm tới vai trò của những chiếc màn hình đối với tuổi thơ của các con mình, nhưng lại chưa sẵn sàng để thực hiện theo các khuyến nghị trên thì có thể cân nhắc một vài lời khuyên đơn giản dưới đây:
Hãy dành thời gian cho gia đình, thay vì chú tâm đến các thiết bị điện tử
1. Tự xét lại thói quen nhìn màn hình của bản thân
Bạn có thường xuyên xem điện thoại mỗi ngày? Bạn có chú tâm đến các thiết bị điện tử của mình trong khi lẽ ra lúc đó bạn nên để ý tới gia đình? Bọn trẻ bắt chước lại những gì mà bạn làm và tiếp nhận thông điệp rằng chúng chỉ xếp thứ 2 sau các thiết bị của bạn nếu các thứ tự ưu tiên này không được thường xuyên kiểm tra. Mỗi ngày, hãy dành thời gian để giải phóng bản thân bạn hoàn toàn khỏi màn hình.
2. Hãy đưa ra những ý tưởng mới
Có rất nhiều việc khác để làm ngoài xem tivi và sử dụng máy tính/điện thoại/máy tính bảng hay bất cứ thứ đồ công nghệ mới nào. Hãy đi dạo, chơi trò chơi, làm một điều gì đó, bắt tay vào một dự án mới, khởi động một dự án nhỏ, cùng nhau nấu ăn… Hãy hòa nhập vào cộng đồng. Trở thành một khách du lịch ngay trong chính thành phố của bạn. Làm một điều tốt đẹp nào đó cho mọi người. Tổ chức tiệc tùng. Khám phá kỳ nghỉ của chính bạn. Tham gia các hoạt động theo mùa. Chuyện trò với mọi người.
3. Đừng quên kiểm soát thời gian
Khi bạn để mặc con cái mình sử dụng các thiết bị của chúng, hãy đảm bảo rằng bạn nắm rõ chính xác những gì mà chúng đang tìm kiếm và hạn chế thời gian lên mạng của chúng. Rất dễ để quên mất việc kiểm soát thời gian với những món đồ công nghệ này, từ đó càng thúc đẩy cảm giác “nghiện” đối với những thiết bị đó. Hãy quy định rõ những giới hạn.
Hãy dành thời gian cho các hoạt động ngoài trời thay vì dán mắt vào những chiếc màn hình
4. Giáo dục trẻ
Hãy giải thích cho bọn trẻ về những mối lo ngại của bạn đối với việc lạm dụng công nghệ. Cho chúng xem những nghiên cứu. Hãy làm như thể những yếu tố gây nghiện và các khía cạnh tiêu cực đó rất quen thuộc với bạn, với tư cách là một người dùng công nghệ, và những điều này cũng sẽ có tác động tới bọn trẻ ở một độ tuổi nhất định.
5. Hãy nhớ các thiết bị là công cụ, không phải là thứ tiêu khiển
Các con bạn cảm thấy buồn chán khi đi nhà hàng nên bạn cho chúng dùng iPad. Bạn bật phim trên ô tô khi đang lái xe trên đường. Bạn bật tivi khi nấu bữa tối.
Nếu bạn thấy bất cứ điều nào trong những cách nêu trên có vẻ quen thuộc nghĩa là bạn đang sử dụng những chiếc màn hình như một thứ tiêu khiển, đồng thời gửi thông điệp tới các con mình rằng chúng được sản xuất ra để làm việc đó. Nhưng bọn trẻ không thật sự cần những thiết bị này để giúp chúng giải trí mọi lúc mọi nơi. Bản thân những đứa trẻ biết cách để chơi và có thể tìm thấy niềm vui trong những hoạt động không liên quan đến các thiết bị.
Để thúc đẩy hơn nữa những suy nghĩ dành cho gia đình, hãy bắt đầu bằng việc coi những thiết bị này là những công cụ, không chỉ đơn giản là những phương tiện để giải trí. Một đứa trẻ chọn viết một câu chuyện trên máy tính của mình hay vẽ tranh trên iPad nghĩa là nó đang tương tác với thiết bị theo cách thức hiệu quả và năng động hơn nhiều. Tivi có thể là một phương tiện tuyệt vời để học hỏi nhiều thứ, truy cập vào các bài giảng hoặc những bộ phim tài liệu trên YouTube…
Thay đổi tư duy của bạn và hướng nó vào gia đình và các con của bạn sẽ nhìn nhận những thiết bị này như các công cụ dùng để học tập và sáng tạo mọi thứ. Chúng sẽ trở thành những nhà sản xuất thay vì chỉ là những khách hàng và chúng sẽ xây dựng những kỹ năng hữu ích cho tương lai.