Phụ huynh cảnh giác
Theo thống kê của Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an, trung bình hàng năm toàn quốc đã xảy ra trên dưới 500 vụ mua bán người. Riêng tội phạm mua bán, bắt cóc và chiếm đoạt trẻ em là trên 40 vụ. Những con số này phần nào cho thấy, trẻ em đang trở thành đối tượng xâm hại của các loại tội phạm.
Với các bậc phụ huynh có con nhỏ, những vụ bắt cóc trẻ em thời gian qua trên các phương tiện thông tin truyền thông đang là vấn đề quan tâm khiến họ cảm thấy lo lắng và cảnh giác.
Anh Lê Duy Toản, có con trai học lớp 1 Trường Tiểu học Hoàng Liệt (Hà Nội) cho biết: “Những ngày qua, thông tin về trẻ bị bắt cóc hay mất tích khiến anh rất lo lắng.
Nhà ở chung cư nhưng hè này, anh không dám cho con xuống sân chơi với trẻ hàng xóm khi không có người lớn. Con học lớp 1 nhưng vẫn khá non nớt khi gặp những người lạ.
Tôi dặn cháu không được phép lên xe của người lạ, họ cho gì không được ăn, phải báo ngay cho người lớn khi bị người khác dụ dỗ, lôi kéo”.
Chị Nguyễn Thị Lan, có con học Trường Mầm non Thành Công (Hà Nội) chia sẻ: “Gần đây, thông tin trẻ bị bắt cóc khiến tôi luôn luôn cảnh giác.
Khi đưa con đến những nơi đông người như nhà sách, siêu thị, công viên, tôi luôn để mắt tới con, không dám rời con nửa bước. Những nơi đông người là địa điểm thuận lợi để kẻ gian thực hiện mưu đồ bắt cóc và dễ dàng trốn thoát trước khi bố mẹ kịp phát hiện”.
Hình thành cho con trẻ kỹ năng tự vệ
Chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Lê Thị Huyền Trang (Viện Tâm lý và Giáo dục pháp luật, Tổng đài Tư vấn nuôi dạy trẻ 19006233) khuyến cáo, trước vấn nạn bắt cóc trẻ nhỏ, các bậc phụ huynh nên hình thành cho con trẻ “kỹ năng tự vệ”, nâng cao cảnh giác.
Cha mẹ cần tự bảo vệ con em mình bằng những việc làm thiết thực như: Hướng dẫn trẻ em biết rõ những thông tin về gia đình (bố mẹ, ông bà, địa chỉ gia đình…) cũng như việc đưa đón, giao tiếp với người lạ; trao đổi, phối hợp với nhà trường, các thầy cô giáo trong quản lý các cháu ở trường; nắm chắc việc quan hệ bạn bè của các cháu; nhắc nhở các cháu cần cảnh giác với những hiện tượng, tình huống bất lợi, nguy hiểm.
Cha mẹ có thể dạy con về các tình huống giả định như một người lạ hỏi nếu con có muốn đi nhờ, hoặc một ai đó con quen biết nói điều gì đó làm con cảm thấy không thoải mái. Hãy dạy con biết cách xác định đâu là một tình huống tồi tệ, và nếu điều đó xảy ra, phải báo ngay cho bạn biết.
Dạy trẻ nói “không” với quà bánh, truyện tranh, tiền bạc, lời rủ đi công viên, trung tâm vui chơi... của người lạ. Giới hạn những người tin cậy cho trẻ biết, đó chính là: Cha mẹ, ông bà, thầy cô, anh chị trong gia đình.
Hãy hướng dẫn trẻ là ngoài những người này ra, nếu có bất kỳ ai khác đề nghị chở trẻ đi đâu, làm gì (mở cửa nhà..) thì hãy nói “không”, bỏ chạy và tìm đến những người tin cậy để nói lại việc vừa xảy ra.
Việc bảo con nhắc đi nhắc lại số điện thoại của gia đình và số cấp cứu của trung tâm khẩn cấp là vô cùng cần thiết. Việc làm này sẽ đảm bảo con không quên bất cứ điều gì quan trọng, cũng như cảm thấy tự tin biết phải làm gì trong một tình huống nguy hiểm.
Theo chuyên gia tâm lý Lê Thị Huyền Trang, những kỹ năng, kiến thức này cần được củng cố hàng ngày, hàng năm để trẻ nhớ và thuộc nằm lòng cũng như biến nó thành hành vi ứng xử của mình. Cha mẹ nên dành thời gian hàng ngày để cùng con trang bị những kĩ năng cần thiết khi ra ngoài đường, tránh những trường hợp bị kẻ xấu lợi dụng. Gia đình chính là nơi an toàn nhất để bảo vệ cũng như trang bị kỹ năng an toàn cho con trẻ.