Trái đất đang bước vào thời kỳ tuyệt chủng hàng loạt lần thứ 6
Trong lịch sử, Trái đất đã từng trải qua 5 cuộc Đại diệt chủng, khiến các loài sinh vật tuyệt chủng hàng loạt. Trong đó, lần diệt chủng gần nhất đã xảy ra từ... 65 triệu năm trước.
Tuy nhiên trong vài năm trở lại đây, rất nhiều chuyên gia đã cho rằng Trái đất đang bước vào thời kỳ Đại diệt chủng lần thứ 6, khi con người đã đẩy quá nhiều loài động vật đến bờ vực của sự tuyệt chủng. Có điều, nếu chuyện này thực sự xảy ra, bạn nghĩ sinh vật nào sẽ biến mất đầu tiên?
Câu trả lời chính là cá voi xanh - loài thú lớn nhất thế giới, và nhiều loài sinh vật biển khác có kích cỡ tương tự. Đó chính là kết luận của các chuyên gia từ ĐH Stanford (Mỹ): Loài nào càng lớn, càng dễ diệt vong!
Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã tiến hành so sánh các bằng chứng hoá thạch qua các thời kỳ diệt chủng, sau đó đối chiếu với những mối đe doạ hiện nay. Theo tiến sĩ Jonathan Payne, chủ nhiệm nghiên cứu, thì trong những cuộc diệt chủng lần trước, kích cỡ không quan trọng vì nhiều loài vật nhỏ vẫn chết như thường.
Cá voi xanh sẽ lên đường đầu tiên
Tiêu biểu, cuộc Đại diệt chủng đã quét sạch khủng long vào 65 triệu năm trước, tỉ lệ sinh vật biển chết được phân bổ đều, bất kể kích thước.
Còn ngày nay, trong các loài vật cỡ nhỏ chẳng suy chuyển thì 86% loài vật có kích cỡ trên 10m đã được đưa vào Sách đỏ. Ví dụ như cá voi xanh hiện đang đối mặt với sự sụt giảm về số lượng tới 90% trong 3 thế hệ gần nhất.
Tiến sĩ Boris Worm, nhà hải dương học thuộc ĐH Dalhousie (Canada) cho biết nghiên cứu này đã cho thấy một cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học hiện nay. Ông nói: "Chúng ta đã từng có những vụ tuyệt chủng hàng loạt trong quá khứ. Nhưng lần này là một trải nghiệm hoàn toàn khác".
Kích cỡ càng lớn càng dễ chết
Lý do khiến chúng biến mất, theo như các chuyên gia dự đoán, chính là con người. Theo tiến sĩ Payne, việc săn bắt, đánh cá quá mức cùng quá trình xâm thực và hủy hoại biển cả đã biến cuộc sống của các loài cá lớn thành địa ngục.
Trên thực tế, chúng ta vẫn còn hy vọng vì dù sao những loài này đều chưa tuyệt chủng và một vài dấu hiệu khả quan, ví dụ như trường hợp của hải tượng. Năm 1910, lượng hải tượng còn sót lại trên thế giới còn chưa tới 100 con, thì nay đã là hơn 100.000.
Hải tượng là một trường hợp hiếm hoi có số lượng cá thể hồi phục khi đang đứng trước ngưỡng tử
Tuy nhiên, đây có vẻ là trường hợp ngoại lệ, khi đa số các loài vật vẫn đang ở bên bờ tuyệt chủng. "Thật đau đớn khi biết rằng nhiều loài động vật sẽ biến mất trong một vài thế hệ nữa" - tiến sĩ Worm chua chát nói.