Hộp thư tuyển sinh xin trả lời:
Nhóm ngành khoa học xã hội bao gồm các ngành học sau: Xã hội học, Tâm lý học, Nhân học, Đông phương học, Việt Nam học…. có thể nói đây là nhóm ngành rất rộng bao gồm các chuyên ngành riêng nghiên cứu về các vấn đề khoa học - xã hội - nhân văn, có thể là những vấn đề học thuật, nhưng cũng lại là những vấn đề kinh tế xã hội, hành vi của người tiêu dùng… lấy đó để làm cơ sở khuyến nghị cho các doanh nghiệp đánh giá nhu cầu thị trường, từ đó đưa ra các chiến lược phát triển sản phẩm để nâng cao doanh số.
Còn nhóm ngành nông lâm, đây là các ngành đào tạo tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp. Trong đó lại có nhiều chuyên ngành riêng với những ngành học chuyên sâu về công nghệ sinh học, nông nghiệp hay các vấn đề liên quan đến sinh thái tài nguyên rừng và nông nghiệp… ứng dụng những công nghệ mới vào sản xuất, bao gồm: Công nghiệp hóa nông nghiệp (cơ giới hóa các khâu của quá trình sản xuất), tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học và các giống cây trồng, giống vật nuôi có năng suất và chất lượng cao, đạt hiệu quả kinh tế cao.
Dự báo nhu cầu chỗ việc làm trống bình quân hàng năm của ngành khoa học - xã hội - nhân văn là rất lớn. Tuy nhiên với từng ngành đào tạo thì lại có nhu cầu riêng có thể nhiều ở ngành này và ít ở ngành khác, cũng như vậy nhu cầu nhân lực cũng phụ thuộc ở từng địa phương và ở từng lĩnh vực cụ thể.
Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia thì đánh giá nhu cầu nhân lực ở các ngành nghề đào tạo trong lĩnh vực này, ở trình độ sơ cấp và trung cấp chiếm tỷ lệ nhỏ hơn cả (chỉ vào khoảng 30%); Nhu cầu trình độ cao đẳng, đại học vào khoảng 60%; Còn nhu cầu trình độ trên đại học chiếm vào khoảng 10%.
Còn với nhóm ngành nông lâm, nhu cầu nguồn nhân lực trong tương lai là khá lớn. Theo Quyết định số 179/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ đến năm 2020, đề ra mục tiêu trong giai đoạn 2016 - 2020, đẩy mạnh phát triển toàn diện nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bao gồm hệ thống các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Đến năm 2020, mỗi tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm xây dựng 7 - 10 doanh nghiệp, 5 - 7 vùng sản xuất nông nghiệp và mỗi vùng sinh thái có 1 - 3 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nhu cầu nhân lực là có, vấn đề đặt ra là các nhà trường, người học có đáp ứng được yêu cầu nhân lực chất lượng cao trong tương lai không mà thôi.