Việc bố mẹ quan tâm giúp trẻ bớt nhút nhát, nhanh chóng tự tin hòa nhập với môi trường mới là điều quan trọng.
Nỗi lo của cha mẹ
Hầu như các gia đình hiện nay chỉ sinh từ 1 – 2 con, nên chăm sóc và bao bọc con quá nhiều. Con sinh ra đã có người chăm sóc, không phải làm một việc gì.
Bố mẹ luôn là bệ đỡ khiến con càng ngày càng trở nên rụt rè, nhút nhát, thiếu tự tin khi đến môi trường mới, khi đối diện với người không quen hoặc môi trường lạ, trẻ dễ xuất hiện tâm lý sợ hãi.
Chị Lê Thị Huyền - Giáo viên Trường Cán bộ Dân tộc Hà Nội - chia sẻ: “Con trai tôi năm nay lên lớp 2, nhưng vẫn nhút nhát, thường xấu hổ, rụt rè không dám nói, không chịu hòa đồng tham gia các hoạt động chung với bạn bè đồng trang lứa.
Con ở nhà được ông bà, cha mẹ nuông chiều, việc gì cũng luôn được người khác làm hộ dẫn đến trẻ luôn ỷ lại và thụ động trong mọi việc.
Mấy lần đi họp phụ huynh nhìn các bạn cùng tuổi con trong lớp tự tin, khiến tôi chạnh lòng. Tôi không biết làm thế nào để giúp con trai tự tin, mạnh dạn khi năm học mới đến gần”.
Chị Nguyễn Thị Hà Nhân viên VTV - cho rằng: Hiện nay, trẻ em nhút nhát có thể gặp nhiều bất lợi trong xã hội năng động và cởi mở. Vì thế hè vừa rồi, chị đã cho cậu con trai lớp 9 đi học kỹ năng sống.
Chị lo lắng sự nhút nhát của con sẽ ảnh hưởng đến thành tích học tập như con không xung phong đặt câu hỏi trong giờ học, có thể gây ảnh hưởng tới thành tích học tập.
Năm nay con thi chuyển cấp, sắp bước sang môi trường mới tự lập, chị muốn con dần được trang bị kỹ năng sống để chuẩn bị bước vào THPT.
Gia đình – nền tảng để rèn luyện
Các chuyên gia tâm lý đã phân tích và chỉ ra rằng, trẻ nhút nhát, ngoài ảnh hưởng bởi khả năng thiên bẩm, cách giáo dục của gia đình cũng là nguyên nhân quan trọng.
Một môi trường gia đình bình đẳng, hiểu biết và ấm áp sẽ giúp trẻ khắc phục tâm lí nhút nhát, cho trẻ dũng khí và tự tin, thúc đẩy sự phát triển tính cách tốt đẹp của trẻ, khiến trẻ càng thêm thông minh, dũng cảm, nhanh nhạy.
Trong khi đó, ở nhiều gia đình, nhiều bậc cha mẹ quá nghiêm khắc, khiến trẻ cả ngày sống trong cảm giác sợ hãi, không dám thử việc mới, dần dần cũng trở thành nhút nhát.
Theo ThS tâm lý Phan Lan Phương - Phó trưởng Khoa Tâm lý giáo dục Trường CĐ Cần Thơ, gia đình sẽ là nhân tố gây ảnh hưởng đầu tiên và quan trọng nhất đối với sự phát triển tâm lý và tính cách của trẻ.
Vì thế, các bậc phụ huynh cần có phương pháp dạy con phù hợp với độ tuổi và nhận thức của trẻ để trẻ có thể tiếp thu và học cách sống tự lập tốt hơn.
Khi trẻ còn nhỏ, hãy dạy trẻ biết tự đứng dậy khi bị ngã, biết dọn đồ chơi cất vào đúng chỗ sau khi chơi xong, biết để giầy dép ngay ngắn, biết tự xúc cơm ăn…
Khi trẻ lớn lên, hãy dạy trẻ tự biết cách chăm lo bản thân mình như tự thức dậy và làm vệ sinh cá nhân sau khi có chuông báo thức, tự thu dọn không gian học tập, phòng riêng của mình và có thể nấu một vài món ăn cơ bản khi bố mẹ vắng nhà.
Cha mẹ hãy tạo cho trẻ điều kiện và cơ hội tiếp xúc nhiều hơn với môi trường xung quanh, không nên can thiệp quá sâu vào cuộc sống của trẻ và bỏ đi suy nghĩ sợ con mình sẽ bị tổn thương khi va vấp bên ngoài.
Cùng với đó, nên truyền cho con cách nghĩ rằng “mình có thể làm mọi việc” để trẻ dũng cảm tham gia những thử thách mới và qua thời gian, trẻ sẽ tin tưởng vào bản thân.
Tuy nhiên, bố mẹ cũng đừng tạo áp lực nhiều quá, hãy để trẻ phát triển theo đúng những gì bản thân chúng thật sự muốn, đúng với tiềm năng của trẻ.
Cha mẹ luôn là người bạn, giúp con, tin vào bản thân, tôn trọng bản thân, biết rõ đâu là điểm mạnh, điểm yếu của mình, đồng thời thừa nhận bản thân mà không cần điều kiện gì, đó chính là món quà lớn nhất mà chúng ta có thể tặng cho con mình. Có lòng tin vào bản thân, con có thể đối mặt với tất cả mọi hoàn cảnh, luôn phấn đấu để thắng những điều xấu, điều thiếu lành mạnh trong chính mình và quanh mình.