Ngoài việc nuôi dạy con khoa học, cha mẹ luôn cố gắng kết hợp hài hòa ba yếu tố: vui chơi, tình yêu và công việc khi nuôi dạy con cái.
Để làm được điều đó trong xã hội phát triển công nghệ như hiện nay thật sự không dễ dàng. Đa phần các bậc cha mẹ đã quá lạm dụng công nghệ để thay thế cho tình yêu thương của mình với con trẻ.
Hình ảnh mỗi gia đình vào cuối ngày mỗi người một điện thoại hoặc ipad khiến sự tương tác giữa cha mẹ và con cái giảm dần và thiếu hụt đi mối quan hệ gắn bó tình cảm của trẻ với gia đình gốc, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến định hướng giá trị, niềm tin và sự thành đạt của trẻ khi trưởng thành.
Nguyên nhân dẫn đến việc cha mẹ “sao nhãng” con cái khi chúng ở ngay bên cạnh. Đó có thể là những nguyên nhân sau:
Áp lực xã hội
Sự căng thẳng trong công việc, cuộc sống, các mối quan hệ xã hội, từ vật chất đến tinh thần. Các bậc cha mẹ hiện nay thường quá quan tâm, bao bọc, che chở và đặt ra những chương trình học tập kín mít, một phần bởi vì họ sợ mình không làm tròn trách nhiệm như những người khác. Áp lực này rất mạnh, đặc biệt khi trẻ em còn bé.
Đầu tư thái quá cho con cái
Gia đình càng ít con thì cha mẹ càng dành nhiều điều tốt đẹp cho từng đứa con. Sự quan tâm quá mức có thể biến con thành sự tù túng. Nếu điều này diễn ra lâu dài, dễ dẫn đến tình trạng đứa trẻ lớn lên xảy ra tình trạng phản kháng và chống đối.
Áp lực về vai trò
Khi xã hội phát triển, vai trò xã hội cũng ngày càng thay đổi và được chuyên môn hóa. Vai trò của các bậc cha mẹ cũng thay đổi.
Khi con người còn sống trong một xã hội nông nghiệp, bố mẹ có vai trò đảm bảo sức khỏe, giáo dục, dạy nghề cho con cái. Sự thay đổi về vai trò đồng nghĩa với việc vai trò ngày nay phức tạp và đòi hỏi cao hơn trước.
Quan tâm quá mức tới con cái có thể làm trầm trọng thêm cảm giác chưa hoàn thành đầy đủ chức trách của cha mẹ. Chính điều này đã làm gia tăng sức ép về vai trò, dẫn đến một số hiệu ứng do căng thẳng khi nuôi dạy con như, quan tâm thái quá, che chở thái quá, chương trình hoạt động quá căng thẳng.
Khi lo lắng vì không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của cha mẹ, chúng ta thường đặt quá nhiều hoạt động cho bọn trẻ và ép chúng phải làm. Như chúng ta thấy, đồ chơi và trò chơi điện tử không đem lại tác dụng như người ta quảng cáo. Thế nhưng, ông bà và cha mẹ vẫn cho rằng muốn làm tròn trách nhiệm, họ phải mua đầy đủ những thứ đó cho trẻ em.
Ô nhiễm môi trường
Môi trường ô nhiễm cũng là một trong những nguyên nhân không nhỏ dẫn đến sự mệt mỏi về cả thể chất lẫn tinh thần của các cha mẹ ngày nay.
Biện pháp khắc phục
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự thiếu tập trung cũng như sự nhiệt tình của cha mẹ với con cái trong thời đại ngày nay. Trong một xã hội hối hả và tất bật như hiện nay, thật khó có thể tìm ra một khoảng thời gian trống dành riêng cho gia đình. Nhưng điều đó không phải là không làm được.
Tập thói quen đọc sách cho trẻ
Trước hết, cần cho trẻ cảm nhận được việc đọc sách là một công việc thú vị, khi đọc sách nên dùng văn viết, cách đọc sách xấu là bỏ qua văn viết, sử dụng nhiều văn nói.
Cố gắng không đọc cho trẻ “bản lược trích” hoặc “bản thu nhỏ”. Khi trẻ đã biết đánh vần thì cho trẻ tập đọc những đoạn ngắn để trẻ được cảm nhận những tư tưởng của sách.
Cha mẹ có thể giám sát để giúp đỡ trẻ. Để trẻ đọc hết đoạn văn cho dù có những từ trẻ chưa hiểu.Cũng không nên giải thích ngay những từ ngữ trẻ chưa hiểu mà cần khai thác cách suy nghĩ, cách hiểu của trẻ về từ ngữ đó.
Việc này sẽ giúp trẻ phát huy được những suy nghĩ, cách nhìn nhận về thế giới xung quanh một cách tự nhiên, thậm chí người lớn còn có thể học hỏi được rất nhiều từ cách giải thích của trẻ, một điều đáng lưu ý khi đọc sách cho trẻ đó là cha mẹ cần thể hiện cảm xúc phù hợp trong giọng đọc để trẻ cảm nhận được sâu sắc hơn ý nghĩa của nội dung mà trẻ đang được nghe.
Vấn đề nữa cần nói đến đó là việc “làm gương đọc sách” cho trẻ. Đừng bao giờ yêu cầu con trẻ “đọc sách đi”, thậm chí cha mẹ không nên lấy chuyện con trẻ có thích đọc sách hay không làm chủ đề để nói chuyện; không nên lấy chuyện đọc sách để giáo huấn con trẻ; cách giáo dục không lời đối với trẻ đó là dành thời gian đọc sách cho trẻ hay cùng trẻ đọc sách. Ví dụ như khi trẻ đã biết đọc thì cha mẹ có thể ngồi đọc sách bên cạnh con, đứa trẻ sẽ rất hứng thú khi được cùng cha mẹ làm việc mà chúng yêu thích.
Cha mẹ cần gợi hứng thú đọc sách của trẻ với việc định hướng và tôn trọng sở thích của trẻ, dần dần uốn nắn trẻ đọc những thể loại sách mang tính chất giáo dục cao.
Việc này đòi hỏi bản thân cha mẹ cũng cần phải có trình độ hiểu biết nhất định để định hướng và kiểm soát nội dung những cuốn sách cho trẻ đọc.
Dành thời gian chơi cùng con
Bên cạnh việc đọc sách cùng con, các cha mẹ cũng cần khoảng thời gian để gia đình cùng nhau đi dạo bộ, đạp xe, chơi thể thao, ăn uống hoặc chuyện trò. Sự quan tâm chăm sóc đó sẽ là rào chắn bảo vệ con bạn trước những song gió của cuộc sống sau này.
Khi chơi với trẻ em, điều quan trọng là chúng ta cần phải kiên nhẫn. Khi chơi với con, thỉnh thoảng chúng ta vẫn nên để cho các con thắng, các con có thể vẫn biết được bố mẹ nhường nhưng chúng vẫn thích được thắng bố mẹ.
Khi các con lớn hơn một chút, có thể chơi cùng con những trò chơi phức tạp hơn và dĩ nhiên, cần giải thích rõ với trẻ về luật chơi, đồng thời hướng dẫn trẻ đối diện với việc thất bại. Nhận diện và ứng xử với cảm xúc là một trong những hành trang không thể thiếu khi trẻ trưởng thành.
“Hạnh phúc không phải là ở trong một căn nhà lớn bao nhiêu mà là bên trong căn nhà có bao nhiêu tiếng cười”. Để làm nên điều này, đòi hỏi sự nỗ lực không hề nhỏ của các bậc cha mẹ trong việc học hỏi kỹ năng nuôi dạy con để yêu thương đúng cách và tạo dựng một tương lai tốt đẹp cho con trẻ.