Nhiều phụ huynh hiện nay thường chỉ nhắc nhở trẻ tập trung học hành mà quên hướng dẫn trẻ các kỹ năng cần có trong cuộc sống. Điều này dẫn đến nhiều khiếm khuyết xảy ra khi trẻ đến làm khách ở nhà người khác khiến bé cảm thấy mất tự nhiên, thậm chí còn làm bố mẹ xấu hổ.
Để tránh những sai lầm đó xảy ra, bố mẹ có thể tham khảo những gợi ý dưới đây để hướng dẫn con trở thành người lịch sự. Khi hình thành thói quen, bé sẽ tự nhiên thực hành những điều này trong cuộc sống mà không khiến bố mẹ phải phiền lòng.
1. Chờ chủ nhà mở cửa
Do yêu thích tiếng chuông và quá sốt ruột nên trẻ thường thích bấm chuông cửa nhiều lần. Thế nhưng đó là điều không nên.
Bạn có thể hướng dẫn trẻ gõ cửa hoặc bấm chuông 1 – 2 tiếng rồi chờ đợi. Đặt tay trên vai trẻ sẽ khiến trẻ bình tĩnh hơn.
2. Chào hỏi lịch sự
Nhiều trẻ không biết xưng hô thế nào là đúng với người đối diện. Do đó, bạn có thể tập luyện với con trước như một trò chơi ở nhà. Ví dụ: Chào ông Nam, chào bà Minh….
Việc chào hỏi khi đã thực hành quen thì ra ngoài con sẽ chủ động và thoải mái, tự nhiên khi trò chuyện với người khác.
Nếu con vẫn ngại ngùng, bố mẹ có thể nhắc trẻ nhẹ nhàng: “An ơi, con có nhớ bà Minh không? Con có thể chào bà Minh đúng không?”
Còn nếu là người lần đầu tiếp xúc, phụ huynh có thể giới thiệu để trẻ cảm thấy tự nhiên nhất có thể.
3. Cư xử như một vị khách tại nhà người khác
Nhiều trẻ rất tự nhiên đến nỗi như ở nhà mình khi đến nhà người lạ. Thậm chí, vào phòng riêng, đi xung quanh vườn nhà hay tự sử dụng đồ đạc mà không có sự cho phép.
Vậy nhưng, bé cần học cách tôn trọng người khác, phải xin phép khi muốn sử dụng đồ không phải của mình. Để xác định giới hạn này, bố mẹ là người hướng dẫn giúp hình thành ý thức từ nhỏ cho các con. Khi đó, con sẽ không thấy bất ngờ hay có các phản ứng không tốt bởi các yêu cầu bất ngờ từ phía bố mẹ.
4. Không sử dụng thức ăn, đồ uống khi chưa được phép
Ăn uống ở nhà người lạ thường ngon hơn, thích hơn ở nhà mình. Do đó, trẻ có thể rất ngây thơ hỏi chủ nhà về bánh, nước, trái cây…
Điều con nên được dạy là nếu khát, con có thể xin một ly nước lọc. Tốt nhất không nên ăn, uống trừ khi chủ nhà đã mời tất cả mọi người.
5. Phụ giúp chủ nhà
Trẻ em có thể làm được nhiều việc hơn người lớn tưởng. Dưới sự hướng dẫn của bố mẹ ở nhà, con đã có thể tự cất đồ chơi, nhặt rau, chuẩn bị bữa ăn…
Sau khi được thực hành 1 – 2 lần, khi đến nhà người khác, bạn có thể yên tâm khi bé có ý muốn được phụ giúp chủ nhà. Đó là những điểm tốt bé nên được tạo cơ hội phát huy trong cuộc sống.
6. Ăn các món ăn được mời
Ngoại trừ các loại thực phẩm con bị dị ứng, dù có những món ăn không thích, không quen thuộc hoặc có mùi vị khác lạ nhưng con nên thử một ít các món ăn được chủ nhà mời. Sau khi ăn, dù không thích cũng không thể hiện bằng các biểu cảm trên khuôn mặt.
Dùng bữa xong, phụ huynh nên nhắc con cảm ơn chủ nhà vì đã vất vả để chuẩn bị bữa ăn cho mình.
7. Không đặt khuỷu tay lên bàn
Đặt khuỷu tay lên bàn có thể khiến con thoải mái hơn nhưng đó không phải là điều lịch sự. Trẻ cần hiểu rằng khi ăn, chỉ dùng bàn tay để phục vụ bữa ăn mà thôi.
8. Nói lời cảm ơn
Sau một bữa ăn hay sau khi nhận một món quà, con nên có cách bày tỏ tình cảm của mình. Nếu là thư cảm ơn thì phải được gửi trong 3 ngày sau đó.
Một số trường hợp như con nhận được quà sinh nhật, hay quà tết Thiếu nhi… thì có thể gọi điện, nhắn tin dưới sự hướng dẫn của bố mẹ.
9. Luôn vui vẻ khi được nhận quà
Nhiều trẻ khi nhận quà xuất hiện phản ứng như: Con muốn quà khác, con không thích cái này.
Để giúp trẻ phản ứng tốt khi nhận quà, phụ huynh nên cùng con đóng các tình huống giả định như trò chơi ở nhà.
Ví dụ như bố mẹ trao một chú thỏ bông cho con như món quà và bảo: Dù biết con thích chú cún hơn nhưng đây là một chú thỏ. Việc tiếp theo là khuyến khích con nói lời “Cảm ơn” rồi hướng dẫn con đưa ra lời nhận xét tích cực như đây là màu sắc yêu thích của con, hình dáng nó thật ngộ nghĩnh…
Thực hành các trò chơi này xong, bố mẹ sẽ thấy con cư xử khéo léo hơn khi gặp người lạ đấy. Những đứa trẻ lịch sự chắc hẳn sẽ gây ấn tượng tốt và khiến bố mẹ cảm thấy tự hào, yên tâm dù ở bất cứ mọi nơi.