Đế chế Anh (màu đỏ) vào thời kỳ đỉnh cao. Ảnh: Ancient Origins.
|
Lịch sử văn minh của con người đã chứng kiến sự trỗi dậy và sụp đổ của vô số đế chế. Để đánh giá sự hùng mạnh của một đế chế, các yếu tố thường được xem xét bao gồm quy mô, khoảng thời gian cai trị, cũng như sự đóng góp đối với nghệ thuật và khoa học và sức mạnh kinh tế. Chỉ có 5 đế chế thực sự thỏa mãn được những điều kiện này, theo Ancient Origins.
Anh
Anh là đế chế lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Ở đỉnh cao quyền lực, quốc gia này kiểm soát 35,5 triệu km2, chiếm gần 25% diện tích đất liền Trái Đất và cai trị hơn 500 triệu người. Một trong những tác động mà đế chế Anh đem lại cho thế giới hiện đại là sự phổ biến của tiếng Anh. Tuy nhiên, sự nổi lên của Mỹ với vai trò siêu cường thế giới sau Thế chiến II cũng đóng góp một phần đáng kể vào việc này.
Mông Cổ
Mông Cổ là đế chế có đường biên giới nối liền dài nhất lịch sử. Từ thảo nguyên Mông Cổ, Thành Cát Tư Hãn đã chinh phục thế giới. Đế chế Mông Cổ tiếp tục bành trướng lãnh thổ dưới thời hậu duệ của ông. Vào thời kỳ hoàng kim, đế chế Mông Cổ trải dài từ Trung Quốc ở phía đông và cho tới Hungary ở phía tây.
Khác với Anh, người Mông Cổ không được hưởng lợi từ tiến bộ công nghệ để thống trị đế chế trải dài của họ. Kết quả là Mông Cổ bị chia rẽ thành các vùng nhỏ hơn. Người Mông Cổ nổi tiếng vì sự hung ác và tàn nhẫn. Tuy nhiên, một trong những thành tựu tích cực của đế chế này là việc mở lại Con đường tơ lụa kết nối Trung Quốc với châu Âu.
La Mã
Trong khi Anh và Mông Cổ là hai đế chế lớn nhất trong lịch sử, chúng lại không tồn tại lâu dài. La Mã được coi là đế chế có thời gian tồn tại dài nhất.
|
Các vùng thuộc đế chế La Mã vào thời kỳ mở rộng nhất. Ảnh: Ancient Origins.
|
Đế chế La Mã được thành lập vào năm 27 trước Công nguyên với việc Augustus lên ngôi, kết thúc vào năm 1453 khi thành phố Constantinople sụp đổ dưới chân đế chế Ottoman. Lịch sử của La Mã kéo dài gần 1.500 năm. Họ để lại ảnh hưởng lớn đến cảnh quan tại châu Âu, châu Á và châu Phi, cũng như trong tâm trí của những người thừa hưởng đất đai của họ.
Vương quốc Hồi giáo Ummayad
Ummayad nằm trong số 4 caliphate (vương quốc Hồi giáo) được thành lập sau cái chết của nhà tiên tri Muhammad. Vào thời đỉnh cao ở thế kỷ thứ 7, Ummayad có diện tích 11,1 triệu km2 và cai trị gần 1/3 dân số thế giới.
Một trong những đóng góp quan trọng nhất của đế chế này là nó tạo điều kiện cho đạo Hồi lan rộng, nâng lên vị thế của những tôn giáo lớn nhất thế giới. Ngoài ra, Ummayad thường được coi là thời đại hoàng kim của Hồi giáo, đem đến nhiều đóng góp nghệ thuật và khoa học.
Achaemenid
Achaemenid là đế chế lớn nhất thời cổ đại. Nằm tại vị trí của Iran hiện nay, gia đình Achaemenid kiểm soát đế chế rộng gần 8 triệu km2. Đây có thể được xem là đế chế toàn cầu đầu tiên, vì có lãnh thổ ở ba châu lục khác nhau, gồm châu Á, châu Âu và Châu Phi.
Nhiều nền văn minh tiên tiến thời đó, bao gồm Babylon, Ai Cập và Lydia đã bị thu phục vào đế chế này, chứng tỏ sức mạnh quân sự của họ. Dưới thời Achaemenid, Trung Đông trải qua giai đoạn bình yên và hòa thuận trong suốt 200 năm, điều có thể được coi là một thành tựu to lớn.