Mức độ bị bắt nạt trực tuyến của học sinh THPT
ThS. Nguyễn Thị Bích Hạnh, ThS. Nguyễn Thị Phương Trang, Khoa Tâm lý – Giáo dục, Đại học Sư phạm Đà Nẵng đã có nghiên cứu khảo sát, phân tích thực hiện trên 500 học sinh trung học phổ thông (THPT) thông qua việc sử dụng Thang đo bắt nạt và bị bắt nạt trực tuyến (Cyber Victim and Bullying Scale) của tác giả Bayram Cetin (2011) và dụng thang đo BASC-2 SPR-A: hệ thống đánh giá hành vi trẻ em, phiên bản 2 để khảo sát mối liên hệ giữa các vấn đề sức khỏe tâm thần và việc bị bắt nạt trực tuyến ở học sinh.
Báo động tình trạng bắt nạt trực tuyến ở học sinh
Gây hậu quả: stress, lo âu, trầm cảm, tăng động…
Theo nhóm giảng viên này, bắt nạt trực tuyến (BNTT) là hành vi bắt nạt gián tiếp có chủ đích được thực hiện bằng tin nhắn, hình ảnh hoặc video thông qua các thiết bị điện tử được thực hiện bởi cá nhân hoặc nhóm một cách riêng tư hoặc công khai nhằm mục đích làm tổn hại về mặt tinh thần, tâm lý và danh dự của người khác (nạn nhân).
Nhóm nghiên cứu cho biết, chúng tôi thực hiện nghiên cứu này nhằm làm rõ ảnh hưởng của việc bị BNTT đối với sức khỏe tâm thần của học sinh THPT để góp phần vào việc xây dựng các chương trình phòng ngừa, can thiệp BNTT.
Nghiên cứu được tiến hành trên 500 học sinh tại 2 trường THPT trên địa bàn TP. Đà Nẵng gồm 1 trường công lập và 1 trường dân lập được lựa chọn theo nguyên tắc chọn mẫu tiện lợi. Trong đó có 156 học sinh lớp 10, 173 học sinh lớp 11 và 169 học sinh lớp 12. Khách thể nghiên cứu gồm 281 học sinh nữ (56,2%) và 219 học sinh nam (43,8%).
Kết quả phân tích số liệu cho thấy có 32,9% học sinh không bao giờ bị BNTT, 22,1% học sinh hiếm khi bị BNTT, 28,4% học sinh thỉnh thoảng bị BNTT, 7,7% học sinh thường xuyên bị bắt nạt và 9% học sinh rất thường xuyên bị bắt nạt trên mạng.
Được biết, nhóm nghiên cứu không đưa ra tỉ lệ các học sinh mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần mà chỉ sử dụng số liệu thô để tìm hiểu tương quan với việc bị BNTT.
Nhóm nghiên cứu cho hay, ở những học sinh bị bắt nạt, kết quả phân tích cho thấy có tương quan thuận ở mức thấp của các vấn đề cảm xúc như stress, lo âu, trầm cảm và vấn đề hành vi như tăng động, khả năng kiểm soát kém và tính bất thường với việc bị bắt nạt.
Cụ thể là một số ít học sinh càng bị bắt nạt nhiều thì càng cảm thấy stress, lo âu và thậm chí là có triệu chứng của trầm cảm.
Kết quả này có thấy, việc bị bắt nạt dù là trên thế giới ảo nhưng lại có ảnh hưởng thực đến tâm lý của học sinh. Đồng thời, ở một số học sinh càng có biểu hiện tăng động, khả năng kiểm soát kém hoặc bất thường cũng có nguy cơ cao trong việc trở thành đối tượng để bắt nạt.
Đối với những học sinh bị bắt nạt bằng lời trên mạng, kết quả cũng cho thấy có mối tương quan thuận giữa stress lo âu trầm cảm, tăng động, khả năng tự kiểm soát kém và tính bất thường với việc bị bắt nạt.
Ở những học sinh là nạn nhân của những hành vi ngụy tạo trên mạng, kết quả cho thấy không có tương quan giữa việc bị bắt nạt và các triệu chứng trầm cảm. Tuy nhiên cũng tương tự như việc bị bắt nạt bằng lời, một số ít học sinh càng bị bắt nạt bởi những hành vi ngụy tạo trên mạng thì càng có nhiều vấn đề về stress, lo âu, tăng động, khả năng kiểm soát kém và tính bất thường.
Kết quả phân tích tương quan cho thấy việc bị BNTT nói chung hay bị bắt nạt bởi các hình thức bằng lời và bằng hành vi ngụy tạo trên mạng nói riêng đều có tương quan thuận với tình trạng stress, lo âu, trầm cảm, tăng động, khả năng kiểm soát kém và tính bất thường.
Từ kết quả nghiên cứu ta cũng thấy rằng khả năng kiểm soát kém hoặc tính bất thường trong hành vi có thể là yếu tố nguy cơ làm gia tăng việc trẻ trở thành mục tiêu của BNTT.
Tình trạng đáng báo động
Nhóm nghiên cứu cho biết, từ kết quả nghiên cứu về tỉ lệ học sinh bắt nạt và bị bắt nạt trực tuyến ở học sinh THPT trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có thể thấy hiện tượng BNTT là một vấn đề đáng báo động ở địa phương này khi có đến 7,7% học sinh thường xuyên bị bắt nạt và 9% học sinh rất thường xuyên bị bắt nạt trên mạng.
Do đó, nhóm nghiên cứu có kiến nghị, các thầy cô giáo, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm cần quan tâm nhiều hơn đến học sinh để kịp thời phát hiện nếu các em đang là nạn nhân của BNTT hoặc đang thường xuyên có những hành vi bắt nạt bạn khác.
Đồng thời, học sinh nam cần được quan tâm hơn học sinh nữ khi phòng ngừa BNTT vì học sinh nam có xu hướng nhiều hơn trong việc trở thành thủ phạm của BNTT.
Nhà trường cùng cán bộ tâm lý học đường cần tổ chức các lớp tập huấn về BNTT cho học sinh, giúp học sinh nhận biết các dấu hiệu là mình đang bị BNTT, các cách sử dụng internet an toàn và chiến lược ứng phó khi bị BNTT.
Các học sinh cần tự ý thức về các hành vi của mình để không vô tình hoặc cố ý trở thành thủ phạm của BNTT. Học sinh cần sử dụng internet với mục đích lành mạnh và thời gian hợp lý, biết cách tự bảo vệ mình khi tham gia vào cộng đồng mạng.
Về mối liên hệ giữa BNTT và sức khỏe tâm thần (SKTT), kết quả nghiên cứu cho thấy ở một số ít học sinh càng bị BNTT nhiều thì có mức độ biểu hiện về stress, lo âu, trầm cảm, tăng động, khả năng kiểm soát kém và tính bất thường càng cao.
Bên cạnh đó, lớp, mức độ truy cập, thời gian truy cập và mức độ biểu hiện tăng động là những yếu tố độc lập có ý nghĩa dự đoán tần suất học sinh có hành vi bắt nạt trực tuyến; stress, lo âu và thời gian truy cập internet là những yếu tố độc lập có ý nghĩa dự đoán tần suất học sinh bị bắt nạt trực tuyến.
“BNTT có liên quan đến một số vấn đề sức khỏe tâm thần. Các vấn đề sức khỏe tâm thần có thể là yếu tố nguy cơ gia tăng hành vi bắt nạt hoặc hậu quả của việc bị bắt nạt. Do đó, trong phòng ngừa và can thiệp BNTT, sàng lọc các học sinh có vấn đề sức khỏe tâm thần như stress, lo âu … có thể giúp xác định đối tượng cần tập trung. Từ đó áp dụng những biện pháp can thiệp phù hợp” – nhóm nghiên cứu nhấn mạnh.