Ngày 13/8 vừa qua, tại Hội Sách Thu 2017, tọa đàm “Chọn sách gì cho con khi chưa biết đọc?” đã diễn ra trong thời tiết mát mẻ của ngày Chủ Nhật với sự tham gia của nhà báo Hà Việt Anh - thư kí tòa soạn tạp chí Mẹ và Bé. Là một chuyên gia trong lĩnh vực, kiêm chủ tịch Câu lạc bộ phát triển Năng khiếu và Tài năng trẻ em, chị đã có những chia sẻ hữu ích về việc giáo dục sớm cho con qua sách vở. Đây là một trong những vấn đề mang tính xu hướng mà những ông bố bà mẹ trẻ chưa được khơi mở.
Các mẹ có biết 0-6 tuổi là giai đoạn vàng để con đọc sách và rộng hơn là phát triển não bộ?
Cuốn “Nuôi dạy từ khi mới lọt lòng” của tác giả Nhật Kimura Kyuichi cho rằng: “Chúng ta phải nuôi dạy trẻ từ sớm vì bộ não của trẻ chỉ phát triển đến năm 6 tuổi, còn sau đó thì hầu như không”. Trong đó giai đoạn 0-3 là thời điểm mà hoàn thiện đến 80% nhận thức, năng lực và tính cách. “Sự phát triển trí tuệ cuối cùng của trẻ có thể thay đổi đến 25% tùy thuộc vào chất và lượng của quá trình kích thích sớm”. - nhà sinh thần kinh học Peter Huttenlocker của đại học Chicago cũng khẳng định.
0-3 tuổi là thời điểm hoàn thiện đến 80% nhận thức, năng lực và tính cách của con (Ảnh: Đinh Tị Books)
Chính vì vậy, đây là khoảng thời gian tuyệt vời để cho con đọc sách nói riêng và phát triển não bộ nói chung. Tuy nhiên, hầu hết phụ huynh Việt Nam vẫn giữ quan điểm: “Con còn bé tí, nói chưa sõi, đọc chưa ra, nhận thức chưa có, hiểu sao nổi những điều xung quanh?”
Nhưng trên thực tế, điều đó hoàn toàn không chính xác. Kể về câu chuyện 9 tháng tuổi cho con đi tàu điện ngầm khiến cậu bé nhớ mãi, MC Thùy Minh - tác giả sách “Minh và Linh - hai chúng mình đi khắp thế giới” có viết: “Đến tận sau này, mẹ chắc chắn chính những con tàu đã in đậm vào kí ức của Linh đến nỗi, ở độ tuổi bắt đầu nhận biết, Linh đã chỉ mê tàu, nằm mơ cũng thấy tàu, mở mắt ra luôn hỏi: "Tàu đâu?". Những hình ảnh đầu tiên bước vào trí não con trẻ mạnh mẽ và hằn in lại dấu vết, ở ngay thời điểm chúng còn chưa biết gọi tên hay định nghĩa nó là vật thể gì”.
Tại sao nên cho con đọc sách sớm mà không phải là điều gì khác?
Với suy nghĩ bó hẹp việc đọc sách chỉ đơn giản là lật từng trang và đọc những con chữ, các mẹ đã bỏ qua một cơ hội giáo dục sớm hiệu quả cao. Hầu hết, chúng ta thường chỉ cho con dùng thiết bị điện tử như TV, máy tính bảng, smartphone vì nghĩ rằng: “Con chưa biết chữ thì sao đọc nổi sách”.
Tạm dừng các thiết bị điện tử, mẹ hãy dẫn con đến thế giới của những trang sách nhé!
Tuy nhiên, khoa học đã chứng minh rằng: Đọc sách sớm không chỉ giúp bé phát triển tối đa mà còn đơn giản hóa việc nuôi dạy con sau này của bố mẹ. Không như các thiết bị điện tử, sách bảo vệ an toàn cho con khỏi những vấn đề về sức khỏe. Nó giữ cho đôi mắt của con an toàn và tránh xa những thiết bị đầy nguy hại đó. Và hơn hết, khi được tập đọc sách từ bé, con sẽ giữ thói quen đó đến cả lúc trưởng thành. Nó cũng mở ra cho con những chân trời mới lạ để khám phá.
Bàn về câu chuyện đọc sách sớm, chị Hà Việt Anh chia sẻ: “Tôi đọc sách cho hai con nhà mình từ khi ở trong bụng mẹ. Có lúc tôi đọc bằng tiếng Việt, lúc lại mở băng nói tiếng Anh, tiếng Nga. Sau này trưởng thành, bạn lớn yêu thích và theo đuổi tiếng Anh, trong khi bạn bé, dù học ngoại ngữ Anh - Nhật ở trường rồi vẫn đam mê tiếng Nga. Con tự mua sách, tự mày mò nghiên cứu rèn luyện thêm ở nhà. Tôi nghĩ đó chính là kết quả tốt từ việc giáo dục ngôn ngữ sớm của mình”.
Mặt khác, khi đọc sách cho bé chưa biết chữ, bố mẹ sẽ phải cùng con lật mở và khám phá. Đó chính là cơ hội để phụ huynh gần gũi và hiểu con hơn nhiều. Đặc biệt, ông bà ta đã bảo: “dạy con từ thuở còn thơ”, một khi bé đã được rèn nếp, việc nuôi dạy sẽ đơn giản hơn sau này.
Mẹ Việt nên cho con đọc sách gì khi chưa biết chữ?
“Sách cho trẻ hiện nay hết sức đa dạng, phong phú. Đừng chờ đến khi biết chữ mới cho con đọc sách! Điều đó là quá muộn. Hãy tìm sách cho bé từ những nhà sách, nhà xuất bản uy tín hoặc nếu có điều kiện có thể đặt mua các loại sách mới từ trang web nước ngoài”.
Khi việc nuôi dạy con ngày càng được phụ huynh tiếp cận theo hướng khoa học, các nhà sách đã không ngừng tìm hiểu và cho ra mắt nhiều loại sách khác nhau.
“Tôi bắt đầu cho hai bạn nhỏ của mình làm quen sách vải từ 7-8 tháng tuổi”. - chị Việt Anh vui vẻ chia sẻ - “Khi đã biết ngồi, sách vải là loại sách rất phù hợp và an toàn để các bé tiếp xúc sau những bài học, câu chuyện mẹ đọc cho nghe khi còn nằm trong bụng hay bú sữa. Các con không chỉ “đọc” mà thậm chí “gặm nhấm”, lật giở, cảm nhận tranh ảnh trên sách”.
“Lớn hơn nữa, con có thể tìm đến những quyển sách bằng bìa cát tông in hình khối to, nhiều màu sắc. Điều may mắn của hai bạn nhà mình là có một người cô rất là yêu và gắn bó với trẻ em. Cô đã tự tay vẽ và trang trí từng con vật, bông hoa vào những quyển sách đầu tiên của chúng. Thời điểm này, sách giúp bé nhận thức xung quanh và liên tưởng nhiều điều thú vị, chẳng hạn: tròn thì giống quả đất, đỏ như quả dâu tây hay xanh như chiếc lá. Còn khi trẻ đã bắt đầu nhận thức và suy nghĩ có logic, bố mẹ nên bắt đầu mua các bộ sách có cốt truyện và liên hệ xâu chuỗi với nhau hoặc sách song ngữ”.
Ngoài ra, chị Việt Anh cũng nhắc đến một số loại sách tương tác dành riêng cho trẻ chưa biết đọc như Lift The Flap (sách lật mở), Kididoc (sách chuyển động), sách âm thanh, sách 3D hay những quyến sách thiết kế dạng hộp bí mật kích thích sự tò mò con trẻ...
Sách chuyển động Kididoc giúp kích thích trí tuệ các bé. - Ảnh: Đinh Tị Books
Sách lật mở Lift The Flap cùng con khám phá thế giới - Ảnh: Đinh Tị Books
Đừng chỉ cho con đọc sách, hãy cùng con giao lưu và khám phá vũ trụ bao la qua thế giới ngôn từ - hình ảnh - âm thanh!
“Thời gian trung bình các con ở với chúng ta là 18 năm và trong đó thời gian giao lưu thực sự rất ít ỏi và có lẽ chỉ dừng lại đến lúc con bước vào tuổi teen. Vì vậy, hãy tận dụng việc đọc sách như một cách để chia sẻ cùng con”.
Trao đổi với MC, nhà báo Hà Việt Anh cũng đề cập đến việc giáo dục cảm xúc - một khái niệm còn khá xa lạ. Hãy chọn những quyển sách có biểu tượng cười, khóc, lo lắng hay sợ hãi của nhân vật để giúp con phát triển não phải - nửa còn lại đang bị bỏ quên của hầu hết bà mẹ Việt Nam.
Dù bận đến mấy, mẹ cũng dành thời gian đọc sách cùng con nhé! - Ảnh: Đinh Tị Books
“Tôi có vài mẹo nhỏ làm tăng hiệu quả tiếp nhận khi cho con đọc sách từ lúc chưa biết chữ muốn chia sẻ cùng các bạn. Thứ nhất đó là giải thích cắt nghĩa. Bố mẹ đừng ngại ngùng tra từ điển, thậm chí cả tiếng Việt để nói cho con biết: trườn là gì, khác với bò ra sao?” - chị Việt Anh nói - “Bên cạnh đó, đừng quên đặt câu hỏi liên tưởng và suy luận. Khi lật mở một trang sách tìm hiểu về loài mèo, mẹ có thể hỏi: Em ơi, bạn mèo này có đôi tai để làm gì nhỉ? hay Bạn mèo này màu xám, thế mèo nhà bà màu gì hả con? Sau này, nếu có một chú mèo của mình, con sẽ thích nó màu gì, vẽ mẹ xem với nhé?”
Và cuối cùng, khi bé đã được khai mở trong những giờ đọc sách, mẹ cũng đừng quên việc ôn bài cho con. Nói về bí quyết của mình, chuyên gia khuyên các phụ huynh nên linh động thay đổi nhiều phương thức khác nhau để bé nhớ lâu kiến thức được học. Ví dụ, khi gia đình đi dã ngoại, mẹ có thể giúp bé tái nhận thức bằng cách yêu cầu kể tên các loài sinh vật đã biết qua, vận động qua việc đóng vai một chú mèo bắt chuột hay tư duy thẩm mỹ lúc đặt bút vẽ khung cảnh, đồ vật yêu thích,...
Kết thúc buổi trò chuyện, nhà báo Hà Việt Anh gửi lời tới những bậc cha mẹ rằng: “Như tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh - chủ tịch Câu lạc bộ Đọc sách cùng con từng nói: Hãy cho con đọc sách, biết đâu dù chỉ một trang hay một dòng thôi cũng sẽ mở ra cả đam mê và thế giới mới. Bạn thứ hai của tôi đã hình thành tình yêu với Hóa học ngay từ năm 4 tuổi khi được mẹ tặng cuốn Hóa học - một vụ nổ âm vang. Và đến bây giờ, khi chưa được học bất kì kiến thức nào về bộ môn đó, bạn ấy vẫn tự nghiên cứu và thực hiện những thí nghiệm ngay trong phòng lab của mình. Vậy nên tôi tha thiết cầu xin bố mẹ đừng bỏ qua những thời khắc đọc sách cùng con đầy ý nghĩa”.
Một mùa tựu trường nữa lại gõ cửa. Con sắp bước vào năm học mới, thay vì đong đầy háo hức, mẹ lại cảm thấy lo lắng nhiều hơn cả. Lo vì không biết nên trang bị hành trang cho bé ra sao, chọn trường như thế nào và còn muôn vàn vấn đề khác xoay quanh chuyện giáo dục con cái.
Cùng san sẻ nỗi lo đó, chiến dịch "Ngày mai con đi học" được Afamily mang tới, hứa hẹn sẽ mang đến cho mẹ vô vàn thông tin hữu ích. Từ chuyện giúp mẹ hiểu được tầm quan trọng và ý nghĩa ngày tựu trường đến chuyện biết cách chia sẻ và đầu tư đúng mức cho cột mốc đáng nhớ của con. Đồng thời, chiến dịch còn hỗ trợ, đồng hành và giúp mẹ trang bị sẵn sàng cùng con đón ngày tựu trường. Mẹ nhớ đón đọc nhé!