Chớ dùng roi vọt
Chị Hà Thanh (phố Phạm Sư Mạnh, Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ rằng đứa con trai 3 tuổi của chị hiếu động tới mức khiến chị luôn thót tim khi leo trèo hết chỗ nọ tới chỗ kia trong nhà, nó nghịch tới mức khiến chị xấu hổ khi đưa con tới chỗ đông người vì nó nghịch luôn chân luôn tay, chạy lung tung khiến đổ vỡ đồ vật, mà nhắc nhở kiểu gì cũng không được. Tham khảo ý kiến chuyên gia, chị Thanh được tư vấn tuyệt đối không sử dụng đến đòn roi, đòn roi là thể hiện sự bất lực trong giáo dục của phụ huynh. Có rất nhiều cách dạy trẻ biết vâng lời hiệu quả chỉ bằng lời nói và sự trò chuyện nhẹ nhàng nhưng thấu đáo với trẻ.
Trước câu chuyện này, Chuyên gia giáo dục Phạm Hiền cho rằng, trò chuyện và chia sẻ với bé là điều rất quan trọng. Khi nói chuyện cần nhìn thẳng vào mắt bé và hạn chế những yếu tố gây mất tập trung. Hệ thống từ vựng của trẻ ở độ tuổi 3 - 4 còn hạn chế, vì thế khi bố mẹ muốn diễn đạt điều gì thì cần diễn đạt một cách rõ ràng, dễ hiểu bằng các từ ngữ càng đơn giản càng tốt. Tránh cách biểu đạt, diễn tả không rõ ràng làm trẻ hiểu sai ý của bố mẹ dẫn tới bố mẹ cho rằng con trẻ không biết nghe lời.
Trong trường hợp bạn muốn dạy con nghe lời và làm đúng nhưng trẻ lại làm sai do hiểu lầm từ cách truyền đạt thì bạn nên yêu cầu trẻ nhắc lại những điều bạn vừa nói với trẻ. Từ đó bạn có thể chắc chắn trẻ đã nghe và hiểu hết ý và yêu cầu của bạn với trẻ hay chưa?
Khuyến khích trẻ bày tỏ chính kiến
Ở một góc nhìn khác, Chuyên gia Tâm lý Bích Thuận (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) cho biết: Phần lớn các bậc phụ huynh đều vấp phải sai lầm chung là khi trẻ phạm lỗi thay vì tìm hiểu nguyên nhân và hướng bé cách giải quyết thì cha mẹ thường la mắng và dọa dẫm con cái rất cay nghiệt. Việc nhắc đi nhắc lại sai lầm của con, đay nghiến con, dọa nạt và lăng mạ con sẽ khiến đứa trẻ bị tổn thương và ức chế. Khi bị cảm giác khó chịu chi phối trẻ sẽ có phản ứng tiêu cực, dễ trở nên bướng bỉnh và càng không thích nghe lời cha mẹ.
Chuyên gia Tâm lý Bích Thuận phân tích: Mô hình giáo dục phương Đông được nhiều nhà khoa học giáo dục cho là thiếu sự rộng mở, khó tạo điều kiện cho trẻ bày tỏ chính kiến, điều này cũng ảnh hưởng tới phát triển tư duy logic, tư duy phản biện và giảm tự tin trong giao tiếp, tương tác với người khác. Một mặt dạy cho trẻ biết ngoan ngoãn, vâng lời, nhưng một mặt phụ huynh cần cởi mở để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của trẻ. Đừng nặng nề coi việc trẻ nói khác ý mình là cãi lại mà nên tôn trọng tiếng nói của trẻ, ghi nhận, khích lệ trẻ mạnh dạn bày tỏ ý kiến của mình là điều nhiều bố mẹ đang dần coi trọng.
Đồng tình với quan điểm này, Chuyên gia giáo dục Phạm Hiền cũng nêu rõ sự chủ động khi tranh luận của trẻ chính là bằng chứng cho thấy trẻ khẳng định chính kiến của mình và chứng tỏ sự tự lập của bản thân. Tranh luận, bày tỏ chính kiến sẽ giúp trẻ phát triển “tính cách cộng đồng” và tính tích cực. Trong bộ não của con người, não trước có khả năng đưa ra chính kiến, có thể điều chỉnh giữa tập thể và cá nhân. Nếu không thể cân bằng được cá nhân và tập thể thì ta không thể thích ứng được với xã hội.
“Không có gì quan trọng với thành công và hạnh phúc của một đứa trẻ hơn là học cách giao tiếp, ứng xử một cách tích cực với những người xung quanh. Khả năng thu hút và duy trì những mối quan hệ tốt đẹp của một đứa trẻ sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ tới thành công của chúng trong cuộc sống, tình yêu và sự nghiệp”, Chuyên gia Phạm Hiền nhấn mạnh.
Chuyên gia Tâm lý Bích Thuận đưa ra lời khuyên: Hãy xây dựng hệ thống thưởng, phạt rõ ràng với con trẻ. Cho trẻ thấy được hậu quả của việc không nghe lời cha mẹ và khi vâng lời sẽ có thưởng. Không cần thưởng thường xuyên cho trẻ mà chỉ thi thoảng động viên trẻ bằng những phần thưởng nhỏ và nên nhắc trẻ rằng việc trẻ vừa làm là đúng.