Việc đánh nhau đến sứt đầu, mẻ trán để tranh cướp lộc tại các lễ hội đã không phải là lạ. Nó được xem là món “đặc sản” của không ít lễ hội đầu năm của người Việt.
Mới đây, nhiều người sửng sốt khi chứng kiến cảnh móc mắt, móc mũi để tranh giành lộc ở lễ hội chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội) hay giẫm đạp lên nhau để cướp lộc ở hội đền Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội)…
Trước thực trạng này, giáo sư Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam (Hội Di sản Việt Nam) cho rằng không ít lễ hội ở Việt Nam đã bị biến tướng bởi thói ích kỷ, cá nhân của người dân.
|
Giáo sư Ngô Đức Thịnh lo ngại khi nhiều người trẻ đặt niềm tin vào việc cầu cúng để được việc. Ảnh: Tiến Tuấn. |
“Vật chất hóa lòng thành”
- Thưa giáo sư, việc tranh cướp lộc ở các lễ hội đã có từ xa xưa, trở thành tục lệ ở nhiều nơi. Dưới góc nhìn văn hóa, ông có thể so sánh việc tranh cướp lộc thời xưa với xã hội hiện đại?
- Từ xa xưa, nhiều lễ hội ở các địa phương đã có tục lệ cướp lộc. Các cụ truyền rằng, lộc đền, chùa rất hiếm, linh thiêng, đầu năm đi hội phải cướp được mang về nhà mới may mắn. Nhưng việc tranh cướp lộc trước đây và hiện tại khác nhau rất nhiều.
Tôi từng tham gia một lễ hội của 2 làng gần chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội). Trong lễ hội, họ tranh cướp lộc đánh nhau, ném nhau đến đổ máu. Nhưng hôm sau, người dân 2 làng coi như không có chuyện gì xảy ra, không có chuyện thù oán, thù hằn cá nhân.
Thậm chí, làng này có người bị đau vì tranh cướp lộc, hôm sau cả làng bên cạnh kéo sang thăm. Đây là tranh giành, đánh nhau theo phong tục.
Tuy nhiên, 3 năm trước, tôi có tham gia lễ hội làng Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội). Khi đó, một thanh niên lợi dụng việc cướp hoa tre ở lễ hội để trả thù cá nhân một người ở làng bên.
Anh ta đánh dã man đến mức nạn nhân sau đó mắc chứng bệnh tâm thần. Đây là hành vi đáng lên án, không chỉ làm mất đi vẻ đẹp của lễ hội mà còn vi phạm pháp luật.
- Vậy theo ông do lễ hội hay tâm lý người dân thay đổi?
- Theo tôi là cả hai. Lễ hội bị biến tướng nhiều trong khi đó tâm lý đi lễ hội của người dân hiện nay so với trước đây cũng có sự khác biệt.
Trước đây đi lễ hội, người cướp được lộc hay không đều vui vẻ. Còn bây giờ thì khác, ai cũng phải dành bằng được lộc về phần mình. Thậm chí còn có tình trạng đi cửa sau, lợi dụng việc thân quen để lấy bằng được lộc thánh. Điều này thể hiện sự bất chấp mọi thủ đoạn kể cả ở chốn tâm linh để đạt bằng được mục đích của mình.
- Ông đánh giá như thế nào về việc nhiều người quan niệm phải mâm cao cỗ đầy đi lễ lạt, cầu cúng mới được phù hộ?
Trong thời đại kinh tế thị trường, lòng thành đang được đo bằng vật chất. Nói nôm na là người ta đang “vật chất hóa lòng thành.
GS.TS Ngô Đức Thịnh
Hiện, một bộ phận người Việt đang có suy nghĩ kiếm được càng nhiều tiền thì lễ lạt, cầu cúng phải tương xứng với số tiền mình có được.
Họ biết số tiền để thực hiện vào việc cầu cúng lễ lạt là quá lớn, lãng phí nhưng vẫn nhắm mắt chi vì nghĩ rằng phải như thế thì công việc làm ăn của mình mới suôn sẻ, thuận lợi.
Tôi cho rằng chúng ta đang bị khủng hoảng nghi lễ. Người xưa có dạy rằng đi lễ chùa, lễ hội không cần mâm cao cỗ đầy mà chỉ cần lòng thành. Lòng thành thắp một nén hương, chỉ cần một nén hương đã đủ thể hiện được ước vọng của người đó.
Còn bây giờ thì người ta thắp cả nghìn nén hương, soạn mâm cao cỗ đầy, lễ lạt lên đến cả chục, trăm triệu đồng nhưng không biết lòng có thành kính hay không.
Thấy người khác quỳ lạy, mình cũng quỳ lạy
- Những năm gần đây cho thấy không ít người trẻ, người có học thức sa đà vào mê tín dị đoan. Ông đánh giá như thế nào về hiện thực này?
- Tất nhiên thời nào cũng có tình trạng mê tín di đoan. Nhưng hiện điều đáng lo lại là số lượng người trẻ, người có học thức đặt niềm tin vào tâm linh khá nhiều. Không khó để thấy các sĩ tử trước ngày thi vào Văn Miếu thi nhau sờ đầu rùa, dùng tiền quết lên bia tiến sĩ để mong làm bài được trúng tủ.
Bên cạnh đó, không ít người đi chùa chiền cứ tranh nhau sờ vào chân, tay tượng Phật để hy vọng có thêm sức mạnh. Thực tế cho thấy, nhiều người mê tín vì tâm lý đám đông. Thấy người khác làm mình cũng làm theo để mong được thần linh phù hộ.
|
Tranh cướp lộc ở lễ hội chùa Hương. Ảnh: Tiến Tuấn. |
- Ở những nước trên thế giới, giới trẻ ứng xử với vấn đề tâm linh thế nào?
- Ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan… người dân, đặc biệt là giới trẻ đi lễ chùa. Họ cũng cầu khấn, cúng bái không kém gì giới trẻ Việt Nam. Nhưng tôi thấy họ biết mình đang làm gì, được gì từ việc làm này.
Còn giới trẻ Việt Nam đi lễ chùa, có nhiều trường hợp cầu cúng dường chỉ để “bằng bạn bằng bè” chứ không biết mình đang làm gì. Thấy người khác quỳ lạy mình cũng quỳ lại, thấy người ta bỏ tiền, mình cũng bỏ tiền, thậm chí nhiều hơn để mong được phù hộ nhiều hơn.
- Nguyên nhân của tình trạng này là gì?
- Có thể nói rằng hiện một bộ phận người dân đang bị mất niềm tin vào cuộc sống và thiếu bản lĩnh. Khi bị chèn ép, họ tìm cách “nương tựa” vào chốn tâm linh, có những hành động mê tín mù quáng.
Mới đây có vụ sư thầy ném lộc cho người dân dẫn đến tranh cướp nhau. Đối với một số người, khi niềm tin trong họ bị khủng hoảng, họ xem lộc chùa là một cái gì đó có thể bảo vệ họ khỏi bệnh tật, tăng thêm tiền bạc…Khi sự ích kỷ, cá nhân trỗi dậy, họ tranh nhau cướp bằng được lộc sư thầy ném ra nên mới xảy ra hình ảnh xấu trong lễ hội chùa Hương.
|
Giáo sư Ngô Đức Thịnh cho rằng người Việt ngày càng mê tín vì khủng hoảng niềm tin. Ảnh: Tiến Tuấn.
|
Xưa nay người Việt luôn có truyền thống bao dung, hòa hiếu, kiên nhẫn… Tuy nhiên, trước sức ép của một xã hội thực dụng, coi trọng đồng tiền cộng với cái tôi quá lớn, cách hành xử giữa người với người sẽ rất tồi tệ.
Theo thống kê của Bộ Y tế, chỉ trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Đinh Dậu có đến 4.500 trường hợp nhập viện vì đánh nhau. Đây là con số báo động về lối ứng xử bạo lực khiến nhiều người bất an, lo lắng. Có thể nói, con người trong xã hội hiện đại ngày càng dữ dằn.
Không dừng lại ở đó, hiện nay một bộ phận người dân vô tâm đến đáng sợ. Nhiều người chứng kiến tai nạn giao thông, đánh nhau mà trơ mắt đứng nhìn, quay video, chụp ảnh. Có thể nói rằng, xã hội hiện nay đang dần mất đi tính bao dung.