Câu khen “Thông minh như Do Thái” không phải không có căn nguyên. Dân tộc có chỉ số thông minh (IQ) trung bình 11 0- đặc biệt là dòng Do Thái từng sinh sống vùng sông Rhin (Đức) sau đó di cư sang các nước châu Âu rồi Bắc Mỹ hết sức nổi bật về trí tuệ. Cha mẹ đã giáo dục như thế nào để có những người con trí tuệ và thông minh?
Dạy con từ thuở còn thơ
Các thai phụ dạy con từ khi còn trong bụng mẹ vì tin rằng cách đó sẽ làm đứa bé sau này trở nên thông minh. Người mẹ chọn ăn hạnh nhân, chà là, uống dầu cá và ăn cá, nhưng tránh ăn đầu cá (điều này rất khác với thói quen thích ăn đầu cá của nhiều người Việt Nam).
Điểm nổi trội nhất của các bà mẹ Do Thái là dù kinh tế khó khăn, họ vẫn ở nhà để nuôi dạy con, dồn hết trách nhiệm kiếm sống cho chồng.
Nhờ sự chăm sóc, động viên của cha mẹ mà học sinh Do Thái nổi tiếng trong trường về thành tích học tập và tính chuyên cần. Vào năm 1954, hệ thống trường công của thành phố New York (Mỹ) phát hiện ra 28 học sinh có chỉ số IQ cực cao - 170 điểm, thì trong đó có 24 là học sinh Do Thái.
Ở Việt Nam, một đứa trẻ đi học về mà được cha mẹ quan tâm thường sẽ được hỏi “Hôm nay con được mấy điểm?”, trong khi trẻ Do Thái nhận được câu hỏi “Hôm nay con có hỏi gì thầy cô không?”. Họ quan niệm điểm không quan trọng bằng cách học, mà đã học thì phải hỏi.
Người Việt hay ghép học với hỏi thành từ học hỏi. Điều này là rất hay, mọi gia đình nên khuyến khích con em mình đặt câu hỏi.
Học kiến thức kinh doanh từ bậc tiểu học
Nhà trường Israel không chỉ chăm bẵm lo truyền thụ thật nhiều kiến thức lý thuyết mà còn chú ý trau dồi nhân cách học sinh. Học sinh nào cũng phải chơi nhạc cụ piano hay violon, nhờ đó mà khả năng cảm thụ cái đẹp và sự nhạy cảm được bồi bổ.
Nhà trường Do Thái rất coi trọng tính thực hành. Trong thời khóa biểu, ngoài các môn học thường gặp ở mọi nhà trường, cấp tiểu học Do Thái còn có môn kinh doanh. Từ trung học, học sinh học giảm dần các môn lý thuyết mà chuyển dần qua học cách tạo ra “sản phẩm” với các bài tập thực tế.
|
Trẻ em Israel đã sớm được tiếp cận kiến thức kinh doanh từ bậc tiểu học. Ảnh minh họa internet.
|
Trong khi đó, cách dạy - cách học và nội dung học của Việt Nam từ phổ thông đến đại học đều chăm bẵm “nhồi nhét” cho học sinh lý thuyết suông, khiến người học khi ra đời lóng ngóng không biết áp dụng thế nào.
Xã hội coi trọng sách
Israel là nước đứng đầu thế giới về dân số từ 14 tuổi đọc sách, đứng đầu về số đầu sách xuất bản theo đầu dân. Không một người Do Thái thành đạt nào không tranh thủ thời gian để đọc, để học, để làm giàu hiểu biết.
Ngay tại nghĩa trang, người ta cũng để sẵn sách vì tin rằng những đêm có trăng, các linh hồn sẽ ra đọc sách.
Trong lúc người Việt Nam đang kêu gọi hãy đọc sách và học suốt đời thì người Do Thái đã thực hiện học... quá đời! Dân tộc Do Thái coi trọng học giả, coi trọng người thầy. Họ phản ánh sự tôn trọng trong câu đố cho trẻ con là “Nếu thầy và cha con bị bắt mà con chỉ có thể cứu được một người thì con cứu ai?” và đáp án đúng là cứu thầy- vì thầy truyền đạt tri thức cho xã hội.
Tri thức được trọng vọng hơn của cải, hơn cả chức tước, là điều khác hẳn với quan niệm của số đông người Việt Nam hiện nay. Do vậy người Do Thái sẵn sàng hy sinh cả gia tài để được làm thông gia với gia đình trí thức.
Không có gì đáng xấu hổ khi nói rằng cha mẹ Việt nên nể phục và học hỏi cha mẹ Israel. Người Việt Nam cần quyết tâm tự khai sáng noi theo dân tộc Do Thái, loại trừ những thói quen gây hại cho việc phát triển trí tuệ trong cả ba môi trường giáo dục: Gia đình, nhà trường và xã hội, cùng nhau hình thành thang giá trị mới, trở nên thật sự hiếu học và có thói quen học suốt đời.